Sign In
Document

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NGOẠI VỤ TỈNH VĨNH PHÚC

Vinh Phuc Department of Foreign Affairs

Lễ tân ngoại giao là bộ phận cấu thành của ngoại giao, là công cụ chính quan trọng của hoạt động đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng.

Tất cả những ai tham gia hoạt động đối ngoại, từ lãnh đạo cấp cao ở trung ương đến các công chức ở địa phương đều phải thông qua và thực hiện một số biện pháp lễ tân. Các biện pháp lễ tân được vận dụng ra sao, ở cấp độ nào tuỳ thuộc vào trạng thái quan hệ giữa các bên hữu quan.

Dưới đây là 04 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động ngoại giao:

 1. Nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau

Sự tôn trọng những gì là biểu trưng cho độc lập, chủ quyền quốc gia của nhau, tôn trọng những đại diện quốc gia của nhau, tôn trọng phong tục, tập quán của nhau.

Những biểu tượng quốc gia gồm có:

Quốc hiệu : Là tên gọi chính thức của một nước

Quốc kỳ : Là cờ tượng trưng cho một nước

Quốc ca (Nhạc và lời) : Là bài hát chính thức của một nước được hát trong những dịp trọng đại

Quốc thiều : Là nhạc của quốc ca

Quốc huy : Là huy hiệu tượng trưng cho một nước

 Những biểu tượng đó mang tính chất thiêng liêng vì là vật tượng trưng cho chủ quyền quốc gia, tự hào dân tộc, cần được xử lý hết sức trân trọng, chu đáo.

Những biểu tượng của quốc gia Việt Nam: Theo Điều 13, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

- Quốc kỳ: Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

- Quốc huy: Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Quốc ca: Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca.

Tôn trọng phong tục tập quán của nhau: Lễ tân ngoại giao cần tìm hiểu những đặc điểm dân tộc văn hóa, tôn giáo của các đối tác để ứng xử đúng nguyên tắc. Trong mỗi cộng động đã hình thành một số đặc điểm về phong tục, tập quán, nghi lễ mà trong giao tiếp chúng ta cần biết để ứng xử thích hợp về mặt lễ tân.

 2. Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử

Đây là nguyên tắc rất cơ bản của pháp luật quốc tế được ghi rõ trong Hiến Chương Liên Hợp Quốc và Công Ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao.

Nguyên tắc này nghi nhận sự công bằng trong việc đối xử giữa các quốc gia với nhau mà không phụ thuộc vào nền tảng kinh tế, chính trị, văn hóa,… của từng nước. Trong hoạt động đối ngoại, tất cả các quốc gia đều là những thực thể độc lập, có chủ quyền và bình đẳng với nhau về mặt pháp lý chứ không phân biệt địa vị trên dưới, mạnh yếu giữa các quốc gia. Bởi lẽ, tất cả những yếu tố dùng để phân chia địa vị giữa các quốc gia như chế độ chính trị, tiềm lực kinh tế, khả năng quốc phòng,… đều không phải là những yếu tố bất biến mà có thể thay đổi theo thời gian. Nếu như có sự phân biệt đối xử giữa các nước dựa trên những yếu tố này thì khi chúng thay đổi, quy tắc đối xử đối với nước đó cũng sẽ phải thay đổi theo. Hơn nữa, nó có thể gây nên những sự rạn nứt trong quan hệ các nước khi sự đối xử của một nước với các nước khác nhau lại khác nhau, có thể gây ảnh hưởng tới tình hình thế giới nói chung.

Không phân biệt đối xử về văn hóa: Cần khắc phục tiềm thức phân biệt đối xử về màu da (trắng đen), tôn giáo, tự cao và tự ti dân tộc, lịch sự với khách nước ngoài, nhưng không ngần ngại uốn nắn ăn mặc, cử chỉ trái thuần phong mỹ tục Việt Nam.

 3. Nguyên tắc có đi có lại

Nguyên tắc này là hệ quả logic của 2 nguyên tắc trên, hàm ý khi một bên đối xử như thế nào thì bên kia có quyền đáp lại như vậy. Nguyên tắc này được áp dụng trong những trường hợp mức độ hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao rộng hay hẹp.

4. Kết hợp luật pháp quốc tế với qui định quốc gia và truyền thống dân tộc

Công ước Viên về quan hệ ngoại giao (1961) là Công ước quốc tế quy định đầy đủ nhất các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao. Công ước Viên khẳng định mục đích của việc ưu đãi, miễn trừ không để làm lợi cho các cá nhân mà tạo điều kiện thuận lợi để cho các cơ quan đại diện ngoại giao và các nhà ngoại giao thực hiện có hiệu quả các chức năng của họ với tư cách là đại diện cho nước cử. Việc ký kết công ước này sẽ góp phần vào việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước, không phụ thuộc vào chế độ nhà nước và xã hội khác nhau. Là nước đã tham gia Công ước Viên về quan hệ ngoại giao, ngày 23/8/1993 Nhà nước ta đã ban hành “ Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ”; ngày 30/7/1994 Chính phủ đã ban hành Nghị định 73-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh.

 Các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ quy định tại Pháp lệnh có nghĩa vụ:

 - Tôn trọng luật pháp và phong tục, tập quán của Việt Nam;

- Không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam;

- Không được sử dụng trụ sở của cơ quan và nhà ở của các thành viên cơ quan vào mục đích trái với chức năng chính thức của mình.

T/h: Trung Dũng